Có một câu nói thế này: “Kích ứng giống như một người khó ở. Với những người như thế này, bạn chỉ cần dịu dàng, mềm mỏng, hoặc đôi khi là kệ họ đấy, rồi mọi thứ sẽ bình thường trở lại. Còn dị ứng giống như một người ốm. Họ cần được chẩn đoán nguyên do, được uống thuốc và cần được chăm sóc chu đáo”. Trong bài viết này Giải cứu làn da sẽ chia sẻ với bạn những tuyệt chiêu khắc phục tình trạng kích ứng và dị ứng nhé!
Phân biệt kích ứng và dị ứng
Đầu tiên chúng ta cần tìm hiểu cách phân biệt kích ứng và dị ứng vì đây là hai khái niệm thường bị nhầm lẫn. Khi bạn gặp một vấn đề gì đó với mỹ phẩm, bạn thường kêu lên rằng: “Ôi tôi bị dị ứng rồi!”. Hãy bình tĩnh, đôi khi bạn chỉ đang bị kích ứng mà thôi. Dưới đây là sự khác nhau giữa kích ứng và dị ứng mà bạn có thể dễ dàng phân biệt được.
Thứ nhất, kích ứng thường nhẹ hơn so với dị ứng, chúng chỉ diễn ra vài ngày và có thể tự lành bằng các phương pháp làm dịu như sử dụng các sản phẩm có ghi từ Soothing trên bao bì, hoặc tận dụng ngay những nguyên liệu có trong bếp như sữa tươi không đường, dưa chuột, bã trà và mật ong. Dị ứng thì cần nhiều thời gian hơn, thông thường bạn cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán, cho thuốc và phác đồ điều trị tầm 10 ngày.
Thứ hai, kích ứng chỉ xảy ra với vùng da tiếp xúc với tác nhân. Ví dụ như bạn dùng một loại kem cho vùng má và sáng hôm sau chỉ thấy vùng da ấy ửng đỏ ngứa rát, bạn đã bị kích ứng. Còn dị ứng sẽ có phản ứng cả với các vùng da lân cận, thậm chí ảnh hưởng đến cơ thể.
Thứ ba, đối với những sản phẩm gây ra tình trạng kích ứng bạn vẫn có thể tiếp tục sử dụng, tuy nhiên cần gia giảm liều lượng để xem đâu là mức độ phù hợp với da. Còn đối với các sản phẩm gây dị ứng thì bạn đành “chia tay” chúng từ đây, hãy tìm hiểu kĩ bảng thành phần để biết được mình không hợp với thành phần nào để khỏi lăn tăn trong lần mua sắm tiếp theo nhé.
Các loại kích ứng thường gặp và tuyệt chiêu khắc phục
Kích ứng cơ bản
Dấu hiệu của loại kích ứng này chính là vùng da tiếp xúc với tác nhân trở nên ửng đỏ. Trường hợp này thường xuất hiện ngay lập tức sau khi bạn bôi mỹ phẩm và kéo dài sau đó 1 ngày. Tình trạng này có thể tự lành trong vòng 3-4 ngày sau đó nếu bạn biết cách xử lý. Và đây là tuyệt chiêu dành cho bạn, thứ nhất, rửa sạch vùng da đó ngay lập tức bằng nước sạch, sau đó ngừng dùng sản phẩm đó cho đến khi da trở lại trạng thái bình thường. Nếu quá lo lắng và hoang mang, bạn có thể đến gặp bác sĩ da liễu để nhận được lời khuyên.
Kích ứng tích lũy
Bạn vẫn dùng những sản phẩm quen thuộc để dưỡng da nhưng bỗng dưng một ngày kia da trở nên ửng đỏ bất thường. Rất có thể bạn đã bị kích ứng tích lũy. Giải thích cho trường hợp này cũng khá đơn giản, có thể bạn bị kích ứng với một thành phần nào đó trong chu trình rất nhiều sản phẩm, thành phần đó được tích lũy ngày qua ngày trong da và cuối cùng gây ra tình trạng kích ứng. Cách xử lý cũng tương tự như như kích ứng cơ bản, bạn nên ngưng toàn bộ mỹ phẩm để da có thời gian phục hồi. Khi bắt đầu chăm sóc da lại, bạn cần bắt đầu chậm rãi từng sản phẩm để biết được đâu là nguyên nhân chính.
Kích ứng chủ quan
Đúng như tên gọi, kiểu kích ứng này không biểu hiện ra bằng mắt thường như hai kiểu trên, tuy nhiên sẽ mang lại cảm giác nóng rát cho chủ nhân. Ngoài nguyên nhân chính thường thấy là do mỹ phẩm, kích ứng chủ quan còn bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh. Cách tốt nhất lúc này bạn nên làm là ngưng dùng mỹ phẩm và làm dịu da bằng các sản phẩm từ thiên nhiên như sữa tươi không đường, bã trà, dưa chuột, mật ong.
Các loại dị ứng thường gặp và tuyệt chiêu khắc phục
Khác với kích ứng có thể giải quyết tại nhà, khi gặp tình trạng dị ứng bạn cần cẩn trọng hơn rất nhiều vì không chỉ tác động vào da mà còn là cả cơ thể. Ngoài mỹ phẩm thì nguyên nhân gây ra dị ứng khá rộng như: ăn uống, môi trường, nguồn nước…
Nếu bạn xác định mình bị dị ứng mỹ phẩm thì chắc chắn bạn không hợp với một thành phần nào đó trong bảng thành phần chứ không phải tất cả các chất có trong sản phẩm đó. Các thành phần thường gây dị ứng là hương liệu và chất bảo quản.
Tăng nhạy cảm tức thời
Đây là trường hợp dị ứng vô cùng nguy hiểm, khi thấy có những dấu hiệu như tấy đỏ toàn thân, sốc phản vệ hoặc ngừng thở, bệnh nhân cần được đưa ngay đến bẹnh viện gần nhất để kịp thời xử lý.
Tăng nhạy cảm trì hoãn
Hiện tượng dị ứng này sẽ xảy ra muộn hơn so với tăng nhạy cảm tức thời, phải đến 2-4 ngày sau mới tái phát. Biểu hiện thường thấy là tấy đỏ khắp người, ngứa ngáy vô cùng khó chịu. Cần đến bác sĩ để được tư vấn phác đồ điều trị từ 7-10 ngày cho trường hợp này, không nên chủ quan vì có thể dẫn đến tình trạng dị ứng phức tạp hơn.
Nổi mề đay
Đây là tình trạng dị ứng nhẹ nhất trong cả ba, người bị dị ứng sẽ nổi các ổ tấy đỏ khắp người, kèm theo ngứa ngáy. Mề đay thường xuất hiện từ 30 phút đến 1 tiếng sau khi bạn tiếp xúc với tác nhân, may mắn là khoảng vài giờ sau. Nguyên nhân dẫn đến nổi mề đay cũng có thể do mỹ phẩm bạn đang dùng, nhưng đừng đổ lỗi 100% cho sản phẩm, rất nhiều người bị nổi mề đay vì ăn phải những loại thực phẩm không phù hợp với cơ địa nữa.
Tổng kết
Qua bài viết này hi vọng bạn đã có thể phân biệt được kích ứng, dị ứng và tích lũy thêm những cách xử lý đúng đắn cho mỗi trường hợp. Nếu thấy bài viết, hãy chia sẻ nó nhé!