Ai trong chúng ta cũng đều hiểu về tầm quan trọng của kem chống nắng. Chúng ta dùng nó mỗi ngày, nhưng liệu bạn có biết mình hợp với kem chống nắng vật lý hay hóa học không? Vì sao bạn lại bị kích ứng khi đổi loại kem chống nắng khác? Giữa hai loại kem chống nắng đó cái nào an toàn hơn? Hãy cùng tìm hiểu nhé.
Kem chống nắng là vật không thể thiếu với mỗi chúng ta. Bởi vì việc thiếu bảo vệ da theo thời gian có thể dẫn đến sự suy giảm các tế bào da, làm tổn thương DNA không thể phục hồi và có khả năng dẫn đến sự phát triển của ung thư da.
Tìm hiểu về kem chống nắng vật lý
Cơ chế chống nắng bảo vệ da
Khi thoa, kem chống nắng vật lý sẽ nằm trên bề mặt da, ngăn chặn và phân tán tia UV. Chúng thực hiện điều này thông qua các bộ lọc chúng sở hữu (các hãng sẽ có sự khác nhau đôi chút trong thành phần). Trong đó phổ biến nhất là thành phần Titanium dioxide (TiO2) và kẽm oxit (ZnO). Hiện nay có những sản phẩm kem chống nắng vừa vật lý vừa hóa học, kết hợp bộ lọc UV vật lý cùng với bộ lọc hóa học để tạo ra kem chống nắng SPF rất cao, hạn chế gây kích ứng da.
Ưu điểm của kem chống nắng vật lý
Thường dày hơn và trắng hơn so với công thức chống nắng hóa học. Kem chống nắng vật lý khi bôi lên da sẽ tạo thành lớp màng chắn, che phủ làn da tránh khỏi tác động của ánh nắng, duy trì mức độ bảo vệ tốt hơn. Các bộ lọc UV vật lý đang càng ngày được cải tiến hơn, và kết hợp với thành phần giữ ẩm, do đó kem chống nắng vật lý ít gây kích ứng cho da nhạy cảm hơn chống nắng hóa học.
Nhược điểm của kem chống nắng vật lý
Kem chống nắng vật lý thường tạo cảm giác nặng và dày trên da hơn kem chống nắng hóa học có cùng chỉ số SPF. Vì vậy, kem chống nắng vật lý có thể không phải là lựa chọn tốt cho da dầu hoặc da bị mụn. Vệt trắng ở kem chống nắng vật lý có thể làm bạn khó xử khi chúng loang lổ trên da, hay bị mồ hôi làm chảy đi gây mất thẩm mỹ.
Nhược điểm thứ hai, các thành phần hoạt chất khoáng như Titanium dioxide TiO2 và kẽm oxit ZnO khi sử dụng một mình thường ít bảo vệ da khỏi bức xạ UVA (gây lão hóa da) hơn các bộ lọc hóa học.
Tìm hiểu về kem chống nắng hóa học
Cơ chế chống nắng bảo vệ da
Loại kem chống nắng này có chứa các bộ lọc ánh nắng tích cực thâm nhập vào da và hấp thụ tia UV để ngăn chúng gây hại đến tế bào. Kem chống nắng hóa học hấp thụ vào da và sau đó hấp thụ tia UV, chuyển đổi các tia này thành nhiệt và thải ra khỏi cơ thể. Các thành phần hoạt tính trong kem chống nắng hóa học bao gồm avobenzone, octinoxate và oxybenzone.
Ưu điểm của kem chống nắng hóa học
Kem chống nắng hóa học có thể bảo vệ hiệu quả cao mà không nhất thiết phải ở nồng độ cao của hoạt chất. Điều này mang lại cảm giác nhẹ nhàng, không bết dính khi thoa lên da. Kem dễ tán đều trên da hơn kem chống nắng vật lý, không để lại vệt trắng hay nâng tone da.
Công thức trong loại kem này có nhiều bộ lọc, vì thế có thể bảo vệ da trước tia UVA và UVB. Điều này rất quan trọng vì tia UVA là tia đại diện cho 95% tia UV từ ánh nắng chiếu đến. Chúng thâm nhập rất sâu vào da hơn tia UVB, gây nên lão hóa sớm, suy giảm tế bào da, tổn hại DNA.
Nhược điểm của kem chống nắng hóa học
Một số bộ lọc UV trong kem chống nắng hóa học gây ra phản ứng dị ứng và kích ứng ở da nhạy cảm. Tuy nhiên, các thành phần hóa học phức tạp trong loại kem này đang vướng phải nhiều tranh cãi bởi mối liên quan của chúng đến những vấn đề gây hại cho sức khỏe khi sử dụng lâu dài.